MỤC LỤC
LỜI MỞ ĐẦU
|
|
Phần 1. PHẢ KÝ
|
|
Phần 2. TỘC ƯỚC
|
|
Phần 3. PHẢ ĐỒ
|
|
Phần 4. PHẢ HỆ
|
|
Phần 5. TUYỂN TẬP HÌNH ẢNH
|
|
LỜI MỞ ĐẦU
Đất nước Việt Nam có 54 dân tộc, trong đó 06 dân tộc có người mang Họ Phạm, bao gồm: 1/165 họ của người Kinh; 1/11 họ của người Mường; 1/11 họ của người Tày; 1/172 họ của người Việt gốc Hoa; 01/49 họ của người Việt gốc Khmer. Họ Phạm là dòng họ phổ biến thứ 4 ở Việt Nam với 7% dân số có khoảng 6,7 triệu người chỉ đứng sau các họ Nguyễn, Trần, Lê.
Họ Phạm ở Việt Nam có thể có hai nguồn gốc chính: từ cộng đồng tộc Việt trong Bách Việt của nước Văn Lang, Âu Lạc xưa; từ nguồn gốc ở các tỉnh miền Nam Trung quốc di cư sang và được Việt hoá. Ngoài ra còn có họ Phạm từ các dòng họ khác đổi sang như họ Mạc, họ Hoàng, họ Hà….
Nhân vật lịch sử họ Phạm đầu tiên trong chính sử là Danh tướng Phạm Tu, khai quốc công thần triều Tiền Lý, đã có công đánh đuổi quân Lương (542), đánh tan quân xâm lấn Lâm Ấp (543), dựng Nhà nước Vạn Xuân (544). Theo các bản Thần phả, Thần tích sự xuất hiện các vị họ Phạm sớm hơn như: Nam Hải Đại Vương Phạm Hải , và ba anh em Phạm Vĩnh (Trấn Tây An Tam Kỳ Linh ứng Thái Thượng đẳng Thần) thế kỷ III trước CN, giúp Vua Hùng thứ 18 đánh Thục. Tướng quân Phạm Gia, tướng của An Dương Vương, năm 208 trước CN lui quân về vùng Hoài Đức…..
Dòng họ Phạm làng Ngù từ khi cụ Phạm Văn Bích dời quê cũ ở Tổng Yên Riệt đến lập nghiệp, từ hai bàn tay trắng gây dựng nên dòng họ đã phát triển hơn một trăm năm qua. Từ xưa dòng họ đã có tiếng hiếu học, truyền thống “văn quan”, con cháu trong họ luôn tự hào, giữ gìn và phát huy truyền thống Tổ tông, nay có nhiều người học hành đỗ đạt có bằng kỹ sư, cử nhân, bác sỹ, thạc sỹ… Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, con cháu trong dòng họ đã lớp lớp vào bộ đội, nhiều người là chỉ huy cấp cao trong quân đội. Càng tự hào, con cháu dòng họ càng phải có ý thức bảo vệ và phát huy về truyền thống Tổ tông, dòng tộc.
Dòng họ Phạm làng Ngù từ xưa đã từng có gia phả, nhưng do đất nước thời loạn lạc, gia phả của dòng họ bị giặc giã tiêu hủy, tổ tiên phải phiêu bạt, rời bỏ nơi cư trú để mai danh, ẩn tích. Nay xây dựng cuốn gia phả này nhằm đưa việc họ vào nề nếp thống nhất, phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” theo lời dạy của Tiên tổ “Cành lá trên cây vốn ở gốc rễ; Nước trong sông lạch vốn ở ngọn nguồn; Con cháu loài người vốn ở tổ tông; Người thân không thể để mất sự thân ái”, để xây dựng dòng họ ngày càng đoàn kết, thương yêu nhau, giữ gìn những tinh hoa, tập quán tốt đẹp của dân tộc phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong tình hình hiện nay.
Với bổn phận của hậu duệ thành kính Tổ tiên và lòng nhiệt thành muốn góp phần thiết thực cùng Gia tộc giữ gìn và phát huy truyền thống dòng họ, Đại tá, Thạc sỹ Phạm Minh Nhàn, Hậu duệ đời thứ ba của dòng họ tính từ Cụ Tổ Phạm Văn Bích đến lập nghiệp ở làng Ngù, Quang Trung, Ngọc Lặc, Thanh Hóa đã dày công sưu tầm, tham khảo Gia phả của nhiều dòng họ Phạm và các họ khác ở Việt Nam để viết nên cuốn Gia phả dòng họ Phạm làng Ngù này.
Phần 1. PHẢ KÝ
“Con người có tổ có tông
Như cây có cội, như sông có nguồn”.
Trải qua quá trình hình thành, phát triển lâu dài, dòng họ người Việt đã tạo dựng nên nhiều giá trị văn hóa, tinh thần độc đáo. Trong cuộc sống thường ngày, mối quan hệ họ hàng luôn được đề cao: “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”. Sống với quan hệ họ hàng, người Việt luôn đề cao ý thức đoàn kết, tinh thần tương thân, tương ái, cưu mang, đùm bọc, che chở trong nội tộc: “Xẩy cha còn chú, xẩy mẹ bú dì”; “ Cha nó lú nhưng còn có chú nó khôn”…
Một trong những giá trị văn hoá tinh thần tiêu biểu hàng đầu của dòng họ người Việt là tìm về cội nguồn, tổ tông, bản quán. Dù ở đâu và bất cứ khi nào thì ý thức về tổ tiên, trước hết là tổ tiên dòng tộc vẫn là một trong những ý thức sâu sắc nhất, ăn vào tâm trí, ngấm trong máu thịt mỗi người dân Việt. Điều đó biểu hiện rất rõ trong tục thờ cúng tổ tiên, chăm sóc từ đường vào các ngày sóc, vọng, lễ tiết, giỗ, chạp… mỗi người đều thành tâm dâng cúng lễ vật, kính cẩn cầu mong anh linh tiên tổ chứng giám, phù hộ độ trì, cho cháu con, dòng tộc có cuộc sống đoàn kết an lành thịnh vượng.
Mỗi người con dân đất Việt, ở đâu, lúc nào cũng hướng về cội nguồn, luôn “vấn tổ tầm tông” muốn tìm về nguồn gốc tổ tiên để biết công lao và truyền thống tốt đẹp của dòng họ, cho con cháu học tập phát huy, đồng thời để cùng đoàn kết giúp nhau trong cuộc sống. Đó là những điều mà con cháu họ Phạm ở làng Ngù, xã Quang Trung, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa đã từng ấp ủ, trăn trở thực hiện qua việc lập gia phả cho dòng họ. Họ Phạm là dòng họ lớn, do chiến tranh, loạn lạc mà gia phả của dòng họ đã bị thất lạc. Vì thế, để lập bộ gia phả này phải nhờ vào ký ức và lời kể về tổ tiên của những người lớn tuổi trong dòng tộc và của các bậc cao niên cùng làng xóm, nhờ vào điền dã các mồ mả, tư liệu về bia ký, tư liệu lịch sử, qua đó nghiên cứu, phân tích tổng hợp để có những cứ liệu tương đối chính xác minh chứng cho bộ gia phả.
I. LÀNG NGÙ
Làng Ngù thuộc xã Quang Trung, cách trung tâm huyện Ngọc Lặc về phía Bắc khoảng 6km theo Đường Hồ Chí Minh, là quê hương dòng họ Phạm sinh sống.
Nơi đây trước kia là vùng rừng núi hoang vu rậm rạp trên thảm thực vật có nhiều loài cây nhưng trong đó có cây Ngù Hương mọc rất nhiều do đó các cụ lấy tên làng là Làng Ngù cho dễ nhớ; đồng đất ở đây phần lớn là đất đồi, ruộng cạn bậc thang là đất sét pha cát, đất đồng chiêm như đồng: Nà Cả, Giếng Bái, Vồng Hang, Cây Thộn… là đất thịt, phần còn lại là đất sình lầy. Nguồn sống của quê hương trước cách mạng tháng 8/1945 chủ yếu là nghề trồng trọt, trồng dâu nuôi tằm, trồng bông dệt vải và chăn nuôi nhỏ lẻ của từng hộ gia đình.Vụ lúa chiêm là chính, vụ mùa trồng trên đồng cạn ngô, khoai lang, đậu, lạc, vừng…. Cuộc sống lam lũ, chật vật, đói ăn, thiếu mặc triền miên. Mùa giáp hạt vào tháng 3 và tháng 8 thường phải lên rừng đào củ Mài, củ Nâu, củ Mớn để ăn thay cơm.
Làng Ngù xưa, đầu làng có nguồn nước Vó Ban trong sạch, mát lành, đã đi vào lời hát ru trong ca dao, dân ca của cả Xứ Mường:
“Ti tôống măng mai xuồng xôồm
Xồm nó xôồm cho kaán vôống đaảc Vò rặc
Xồm nó xôồm cho kaán vôống đaảc Vò pan”.
Ở giữa làng về phía Đông là giếng làng, nền giếng có hai phiến đá tự nhiên, phiến to bên trái là nơi tắm của đàn ông; phiến nhỏ hơn bên phải là nơi tắm của đàn bà. Nét sinh hoạt truyền thống, hồn nhiên, độc đáo của xứ mường khi đó là tục tắm tiên ở giếng làng. Mỗi buổi trưa hè hay khi chiều xuống, từng đoàn người không kể gái, trai, già trẻ, kéo nhau đến giếng, trút bỏ xiêm y để tắm, giặt rất đông vui, nhộn nhịp đó cũng là chuyện đã có hàng trăm năm qua.
Trên giếng làng là cây đa cổ thụ, thân cây rất to, rễ đa tỏa ra xung quanh, từng nhánh rễ cuộn tự nhiên thành từng bậc như từng hàng ghế từ thấp lên cao. Hai nhánh rễ đa choãi ra hai bên, tạo nên hang vòm dưới gốc đa, những khi trời bất chợt đổ cơn mưa, dưới vòm gốc đa có thể trú mưa cho cả hàng chục con người. Cách cây đa cổ thụ vài chục mét là cây đa đền, theo người già kể lại, mấy trăm năm trước, theo lệnh của Nhà Quan, cây đa đền được trồng để thay thế cây đa cổ thụ bị gãy một cành do sét đánh.
Cạnh cây đa đền làng có đình và đền làng, đền làng có sắc phong của Nhà Vua trong các Triều đại phong kiến trước đây. Đền và đình làng đã không còn do một số người quá khích đã đập phá trong thời kỳ cải cách ruộng đất vào đầu những năm 60 của thế kỷ trước.
Trong Kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, dân làng có nhiều đóng góp sức người, sức của cho cách mạng, đã góp phần vẻ vang vào chiến thắng chung của dân tộc. Đời sống của làng quê có nhiều thay đổi từ khi có Đảng lãnh đạo Đất nước tiến hành công cuộc đổi mới. Cùng với làm ruộng, nhiều hộ gia đình đã chuyển sang trồng cây có giá trị kinh tế cao như: cây mía, cây cao su, cây keo… thu nhập được nâng lên, không còn cảnh đói ăn, thiếu mặc. Người già được chăm sóc, trẻ em được đến trường, con em của làng được học hành, ra đi làm việc ở nhiều nơi trên khắp mọi miền của đất nước.
II. SƠ LƯỢC TIỂU SỬ CỤ TỔ HỌ PHẠM LÀNG NGÙ
Về tuổi tác Cụ Tổ họ Phạm làng Ngù, con cháu không biết, không có tư liệu gì lưu lại để biết chính xác tuổi Cụ. Nhưng căn cứ vào tuổi thọ của Cụ là 68 tuổi, mất năm 1943, năm sinh có thể dự đoán vào khoảng năm 1875.
Sinh ra trong một gia đình có nhiều đời làm quan, cha mẹ mất sớm, Cụ Phạm Văn Bích ở với người chú, theo chú đi làm quan về cư trú ở vùng Cẩm Châu, Cẩm Thủy. Cụ tham gia nghĩa quân chống Pháp ở vùng Miền Tây Thanh Hóa. Khi giặc Pháp tiến đánh vào vùng Ngọc Lặc lần thứ 3 tại khu vực Truông Đà Gắm (địa danh giáp ranh giữa huyện Ngọc Lặc và Cẩm Thủy ngày nay), cụ Bích cùng với một vài cộng sự đã mưu trí đánh lui cả một cánh quân Pháp, trong khi các cụ chỉ có vũ khí thô sơ (lực lượng khoảng một đại đội) cho đến khi địch rút lui thì cũng là khi hết đạn, hết lương thực. Cụ chạy về nhà ở làng Bái, xã Cẩm Châu. Do bọn theo giặc ở địa phương chỉ điểm, trong một đêm, quân Pháp bất ngờ ập đến bao vây nhà Cụ, trong tình thế bất khả kháng cụ không kịp cứu giúp vợ con từ trên nhà sàn, Cụ nhảy qua cửa sổ, chạy vào rừng. Khi đó, trong nhà có vợ con của Cụ đã bị giặc Pháp sát hại rất dã man, chúng đốt nhà cùng với vợ và hai người con của cụ ở trong ngôi nhà đó.
Từ đó, Cụ Phạm Văn Bích bắt đầu cuộc đời tha hương, lưu lạc, làm nhiều nghề để kiếm sống. Cụ đã đến làng Ngù Mường Rặc (xã Quang Trung ngày nay) gặp được Bà Bùi Thị Đào hai người nên duyên chồng vợ, tạo dựng cơ nghiệp, để có dòng họ Phạm làng Ngù, Quang Trung, Ngọc Lặc đến ngày nay.
Năm 1943, Cụ từ giã cõi trần để về với tổ tiên, hưởng thọ 68 tuổi. Tang lễ của Cụ được người con trai cụ là Phạm Văn Vân tổ chức rất trang trọng, nghi lễ tiến hành trong thời gian 3 tháng 10 ngày mới đưa về an táng ở Gò Đống Sắt. Được 7 năm sau, năm 1950, Bà Bùi Thị Đào cũng theo Cụ về với tổ tiên. Bà Đào hưởng thọ 73 tuổi. Năm 1984, theo ý nguyện của Ông Phạm Quốc Kỷ, con trai trưởng của Cụ Phạm Văn Vân, phần mộ của các cụ được di dời về Gò Đống Cao.
III. SỰ HÌNH THÀNH DÒNG HỌ PHẠM LÀNG NGÙ
Làng Ngù xưa có 5 dòng họ cư ngụ là: Họ Phạm, Bùi, Hà, Đinh, Quách; về sau có thêm các họ Lương, Lê, Nguyễn…. Họ Phạm ở làng Ngù, Cụ Tổ dòng họ là cụ Phạm Văn Bích.
Cụ Phạm Văn Bích sinh ra ở đâu, đến làng Ngù khi nào không được ghi chép lại. Theo người già kể thì tổ tiên Họ Phạm làm quan trong triều Nhà Lê, được Vua ban họ Lê, cư trú ở Cửa Đông, Kinh thành Thăng Long. Sau khi Nhà Lê thất thủ, dòng họ trốn về Mường Bi tỉnh Hòa Bình (nay là huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình), sau đó di cư vào Mường Khà xã Ái Thượng, huyện Bá Thước, từ đó các cụ tiếp tục di chuyển đến làng Khuyên xã Cẩm Bình, và vào làng Bái xã Cẩm Châu huyện Cảm Thủy thuộc Miền Tây Thanh Hoá để lánh nạn. (Dòng Họ có một di chỉ cho con cháu là các ngày lễ tết, giỗ chạp không được dâng các loại cá trên bàn thờ gia tiên, đó là điều cấm kị của dòng Họ Phạm). Từ đó Cụ Phạm Văn Bích tham gia Nghĩa quân trong phong trào Cần Vương chống Pháp ở vùng Đồi Đô, Đà Gắm. Khởi nghĩa thất bại, bị giặc giết vợ và hai người con, Cụ phải trốn vào Xứ Mường Rặc ở Ngọc Lặc lánh nạn, làm nghề buôn cau, buôn trâu, bò kiếm sống.
Về sau, Cụ gặp được Cụ Bùi Thị Đào là chị họ của Cụ phó Tuần tổng (còn gọi là Trương tuần) ở làng Ngù, do duyên trời định, nên duyên vợ chồng, được Cụ phó Tuần chia cho một số ruộng đất, Cụ sinh sống, lập nghiệp, tạo nên dòng họ Phạm – Làng Ngù, Quang Trung, Ngọc Lặc đến ngày nay. Từ hai bàn tay trắng, các Cụ đã khai khẩn đất hoang, mở mang điền địa có trâu cày, ao cá, có nhà sàn bằng gỗ, đất ở, đất vườn, đất làm nương rãy, rộng rãi, khang trang. Năm 1960, theo chủ trương cải cách ruộng đất của Đảng sau, gia đình vào hợp tác xã nông nghiệp, toàn bộ ruộng đồng của Cụ để lại đưa vào hợp tác xã có khoảng hơn 10ha, bằng khoảng 1/5 diện tích đất ruộng trồng lúa của cả làng Ngù khi đó.
Cụ Phạm Văn Bích và Cụ Bùi Thị Đào sinh được 6 người con, 3 trai, 3 gái, tên của các con được Cụ đặt lấy từ chữ đầu quê cũ của Cụ khi lánh nạn từ Kinh thành Thăng Long về Miền Tây Thanh Hóa (YÊN – YẾT – VÂN – VA – CẦU – CẨM) để sau này con cháu luôn nhớ về quê hương bản quán. Sinh thời, đất nước trong cảnh thuộc địa, nửa phong kiến, Cụ Bích bảo hai người con trai là Phạm Văn Vân và Phạm Văn Cẩm: “Thời buổi này đang loạn lạc, không lường hết được, nên mỗi đứa phải đi học một loại chữ, người anh là Phạm Văn Vân đi học chữ Nho, người em là Phạm Văn Cẩm đi học chữ Quốc ngữ, có như thế thì anh em hỗ trợ cho nhau, chế độ nào cũng sống được,”.
Cụ Phạm Văn Vân, học chữ Nho, sau mười năm học phải đi lính lệ cho nhà Quan Châu thời gian ba năm từ 1940 – 1942, hết thời hạn cụ trở về quê sinh sống. Trong kháng chiến chống Pháp từ 1946 - 1954, quê nhà ở Ngọc Lặc, Thanh Hóa thuộc vùng giải phóng, Cụ đã động viên em trai là Phạm Văn Cẩm và con trai lớn là Phạm Quốc Kỷ tham gia bộ đội, đánh giặc cứu nước. Bản thân Cụ đã tích cực tham gia dân công vận tải phục vụ kháng chiến, có lần Cụ được giao cùng với hơn chục người vận chuyển tiền cho Chính phủ đi bộ mấy tháng từ Ngọc Lặc qua Tân Lạc, Hòa Bình, Mai Châu, Suối Rút, Phố Vàng ra đến căn cứ cách mạng ở huyện Sơn Dương, Tuyên Quang.
Cụ Phạm Văn Cẩm, con trai út của Cụ Bích đi học chữ Quốc ngữ. Khi học đến lớp 7 thì cách mạng Tháng 8/1945 thành công, Cụ tham gia hoạt động cách mạng ở địa phương, làm Xã đội trưởng xã Quang Trung. Tháng 2/1949 Cụ được chi bộ Thái Nguyên (là tiền thân của Đảng bộ xã Quang Trung) kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam tại nhà ông Quách Văn Đông, làng Giao xã Quang Trung. Năm 1950, Cụ vào bộ đội, quá trình tham gia kháng chiến, hoạt động cách mạng, Cụ phát triển thành cán bộ, được giao là Chính trị viên huyện đội huyện Thường Xuân, Thanh Hóa. Sau hòa bình lập lại 1954, được cử đi học đào tạo sĩ quan chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam, năm 1958 được thăng quân hàm sĩ quan. Đến năm 1970, cụ hoàn thành nhiệm vụ phục vụ tại ngũ, về nghỉ hưu sống tại quê nhà.
IV. DÒNG HỌ VỚI VIỆC GIÁO DỤC TRUYỀN THỐNG HIẾU HỌC
Mối quan hệ gia đình, dòng họ trong Gia tộc họ Phạm, làng Ngù là nhân tố quan trọng góp phần hình thành, phát triển nhân cách của các thành viên trong họ. Trong đó, nếp sống, nếp giao tiếp, ứng xử giữa cá nhân với các tộc viên, với dân làng và xã hội tạo thành một nét đẹp của giá trị đạo đức, tinh thần, văn hóa, xây dựng nên thuần phong mỹ tục trong nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Nối tiếp truyền thống của Tổ tông, các lớp con cháu của dòng họ được học hành dưới mái trường của xã hội mới, nhiều người đã ra nhập quân đội, công an, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến…trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều người đã chăm chỉ học hành, không ngừng học tập để đạt đến trình độ cao đẳng, đại học, sau đại học, trình độ bác sỹ chuyên khoa, thạc sỹ khoa học.
Tinh thần hiếu học là nét độc đáo của dân tộc Việt Nam nói chung, của dòng họ Phạm làng Ngù nói riêng. Tổ tiên xưa truyền dạy: “cho con học một con chữ, bằng cho con một đám ruộng bằng 3 bó mạ”; từng gia đình trong dòng tộc đều tôn trọng, đề cao việc học. Nhiều nhà dù khó khăn đến đâu cũng cố gắng cho con theo học. Hàng năm, mỗi kỳ giỗ Tổ vào tháng Giêng, trước bàn thờ Tổ tiên, trước Hội đồng gia tộc và các tộc viên, Trưởng Họ trịnh trọng báo cáo thành tích học tập của con em trong dòng họ. Vào dịp tết Trung Thu hằng năm Hội đồng gia tộc tổ chức trao quà khuyến học cho con cháu có thành tích trong học tập để động viên, nhắc nhở con, cháu gắng sức học hành để ngày một làm rạng danh truyền thống của tổ tông.
Những thành tích nổi bật về thành tích học tập của các tộc viên trong dòng học gồm:
- Năm 2002, Phạm Minh Nhàn bảo vệ thành công Luận văn Thạc sĩ Khoa học Quân sự tại Học viện Quốc phòng.
- Năm 2002, Phạm Thị Tuyết bảo vệ thành công trình độ Bác sĩ chuyên khoa Cấp I tại Trường Đại học Huế.
- Năm 2007, Ông Phạm Văn Nam đại diện cho dòng họ tham gia Hội nghị tiêu biểu toàn quốc về “Gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học” tại Thủ đô Hà Nội, được tặng Bằng khen của Chủ tịch nước. Năm 2012, dự Hội nghị “Hộ gia đình làm kinh tế giỏi” tại Thủ đô Hà Nội; năm 2013 tham dự Hội nghị toàn quốc về “Những người có uy tín trong già làng, trưởng bản”.
- Năm 2012, Phạm Văn Trung bảo vệ thành công Luận văn Thạc sĩ Khoa học Kỹ thuật & Công nghệ tại Trường đại học Xơ-un Hàn Quốc.
- Năm 2013, Bùi Thị Nga con gái Ông Bùi Hồng Cường, cháu nội cụ Phạm Thị Cầu bảo vệ thành công Luận văn Thạc sĩ kinh tế.
- Năm 2014, Lê Quỳnh Vương con gái bà Phạm Thị Tuyết, cháu ngoại cụ Phạm Văn Cẩm bảo vệ thành công Luận văn Thạc sĩ kinh tế.
- Năm 2015 Ông Phạm Văn Nam được chính quyền và nhân dân địa phương tín nhiệm bầu vào giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Quang Trung.
- Năm 2017 Ông Phạm Văn Nam được chính quyền và nhân dân địa phương tín nhiệm bầu vào giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thạch Lập
Đến năm 2020, dòng họ Phạm làng Ngù đã có 26 người trình độ đại học và sau đại học, 6 thạc sỹ, 1 bác sĩ chuyên khoa cấp 1; có hàng chục người trình độ cao đẳng, trung học chuyên nghiệp. Đặc biệt, có những thành viên, nhờ học tập không ngừng, vượt mọi khó khăn để học, vừa làm việc, vừa đi học đã đạt đến trình độ cao, đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn của cán bộ, công chức,viên chức; trở thành lãnh đạo quản lý, sĩ quan quân đội, chủ doanh nghiệp, cán bộ, công chức ở địa phương như: Phạm Văn Nam; Phạm Thị Hồng, Phạm Thị Hiền, Phạm Thị Hoài Hương, Phạm Văn Anh, Phạm Văn Linh, Phạm Minh Phương, Phạm Văn Trung, Phạm Văn Phong, Bùi Văn Đức…..
Phần 2. TỘC ƯỚC
Dòng họ Phạm làng Ngù từ khi cụ Phạm Văn Bích dời quê cũ ở Tổng Yên Riệt đến lập nghiệp, từ hai bàn tay trắng gây dựng nên dòng họ đã phát triển hơn một trăm năm qua. Từ xưa dòng họ đã có tiếng hiếu học, truyền thống “văn quan, võ tướng”, con cháu trong họ luôn tự hào, giữ gìn và phát huy truyền thống Tổ tông, nay có nhiều người học hành đỗ đạt có bằng kỹ sư, cử nhân, bác sỹ, thạc sỹ… Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, con cháu trong dòng họ đã lớp lớp vào bộ đội, nhiều người là chỉ huy cấp cao trong quân đội. Càng tự hào, chúng ta càng phải có ý thức bảo vệ và phát huy về truyền thống Tổ tông, dòng tộc.
Dòng họ Phạm làng Ngù từ xưa đã duy trì việc họ khá chu đáo, nhưng đến nay vẫn chưa có Quy ước thành văn. Vì vậy, hoạt động việc họ vẫn chưa thật nề nếp, vẫn còn những điều cần phải chấn chỉnh để giữ gìn gia phong, phát huy truyền thống Tổ tông, cho họ ta ngày càng rạng danh trước trăm họ.
Nay xây dựng Tộc ước này nhằm đưa việc họ vào nề nếp thống nhất, phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” theo lời dạy của Tiên tổ “Cành lá trên cây vốn ở gốc rễ; Nước trong sông lạch vốn ở ngọn nguồn; Con cháu loài người vốn ở Tổ Tông; Người thân không thể để mất sự thân ái”, để xây dựng dòng họ ngày càng đoàn kết, thương yêu nhau, giữ gìn những tinh hoa, tập quán tốt đẹp của dân tộc phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong tình hình hiện nay.
Theo đề xuất của Hội đồng Gia tộc, với bổn phận của hậu duệ thành kính Tổ tiên và lòng nhiệt thành muốn góp phần thiết thực cùng Gia tộc giữ gìn và phát huy truyền thống dòng họ, Đại tá, Thạc sỹ Phạm Minh Nhàn, Hậu duệ đời thứ 3 tính từ Cụ Tổ Phạm Văn Bích đến lập nghiệp ở làng Ngù, Quang Trung, Ngọc Lặc, Thanh Hóa đã dày công sưu tầm, tham khảo Tộc ước của nhiều dòng họ Phạm và các họ khác ở Việt Nam để thảo ra bản Tộc ước này.
Tộc ước gồm phần Mở đầu và 8 chương:
Chương 1. Tổng quan Dòng họ Phạm làng Ngù
Chương 2. Quyền và bổn phận của các thành viên trong họ
Chương 3. Giỗ Tổ
Chương 4. Quản lý tài sản của Gia tộc
Chương 5. Việc hiếu, hỷ
Chương 6. Khuyến học – Khuyến tài
Chương 7. Lập và sử dụng quỹ họ
Chương 8. Tự quản về An ninh trật tự
Chương 9. Khen thưởng và Kỷ luật.
Bản thảo Tộc ước đã được các thành viên Hội đồng Gia tộc nghiên cứu, bàn thảo, bổ sung nhiều lần. Được thông qua tại Hội nghị Hội đồng Gia tộc, có sự tham gia của đại diện các Chi, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hội đồng Gia tộc Phạm Văn Nam (tổ chức tại Nhà thờ họ ngày 17 tháng Giêng năm Ất Mùi 2015.
Tộc ước được phát hành cho các gia đình trong Họ thực hiện từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 Mọi thành viên trong Phạm tộc có bổn phận thực hiện nghiêm các quy định của Tộc ước này. Trong quá trình thực hiện, nếu có điểm nào chưa phù hợp, Hội đồng Gia tộc sẽ xem xét bổ sung hoàn thiện tiếp.
Chương 1. TỔNG QUAN DÒNG HỌ PHẠM LÀNG NGÙ
Điều 1. Tổng quan Phạm tộc làng Ngù
a) Phạm Tộc làng Ngù có Phả hệ được viết bằng chữ Hán do Tổ tiên để lại, bị tiêu hủy ở đời thứ 8 tại Châu Yên Riệt khi Cụ Phạm Văn Bích tham gia nghĩa quân chống Pháp vùng Đồi Đô, truông Đà Gắm bị thất bại; giặc ập vào, đốt nhà, giết vợ cùng 2 người con của Cụ.
b) Thủy tổ Phạm tộc Quang Thọ là Cụ Phạm Văn Bích sinh thời vào khoảng năm 1875, cùng với nghĩa quân vùng Miền Tây Thanh Hóa tham gia phong trào Cần Vương chống Pháp. Cuộc khởi nghĩa thất bại, Cụ Phạm Văn Bích dời đến cư trú lập nghiệp ở làng Ngù, Quang Trung, Ngọc Lặc, Thanh Hóa đến nay (năm 2015) đã phát triển đến đời thứ 8.
c) Nhà thờ họ: Nhà thờ Tổ họ Phạm xây dựng ở làng Ngù, Quang Trung, Ngọc Lặc, Thanh Hóa vào năm 2015 - 2016.
d) Mộ tổ: Mộ tổ đặt tại Gò Đống Cao, làng Ngù, Quang Trung, Ngọc Lặc, Thanh Hóa, mới được xây cất lại vào năm 2011.
Điều 2. Tổ chức Phạm tộc làng Ngù
a) Gia tộc: Hiện nay (2019) con cháu từ đời thứ 8 của họ có hơn 30 đinh.
b) Thế tự trong Gia tộc:
- Họ có Trưởng họ, Chi có Trưởng chi, Cành – Nhánh có Trưởng cành – Trưởng nhánh.
- Trưởng họ, Trưởng chi, Trưởng Cành – Nhánh trưởng được suy tôn theo thứ tự gia phong: Trưởng họ là con giai trưởng của Chi đầu; Chi trưởng là con giai trưởng của Cành đầu; Cành trưởng là con giai trưởng của Nhánh đầu.
Tuy nhiên, khi một trong những người này vì điều kiện đặc biệt (lập nghiệp xa quê, bệnh nặng, mất trí, ý thức đạo đức kém hay phạm pháp mất quyền công dân …) thì Hội đồng Gia tộc bàn bạc, suy tôn người con giai thứ hoặc con giai trưởng của chú em liền kề làm Trưởng họ (hoặc chi, cành, nhánh…).
c) Hội đồng Gia tộc: Hội đồng Gia tộc là tập thể lãnh đạo cao nhất điều hành mọi việc họ của Gia tộc. Hội đồng làm việc theo nguyên tắc dân chủ tập trung: dân chủ bàn bạc, tập thể lãnh đạo, Chủ tịch quyết định cuối cùng theo ý kiến đa số.
- Các Trưởng họ, Trưởng chi là những thành viên của Hội đồng Gia tộc, có trách nhiệm điều hành việc họ với tư cách uỷ viên Hội đồng và thực hiện phần việc được Hội đồng phân công..
- Hội đồng gia tộc do toàn họ bầu ra để điều hành mọi việc họ. Hội đồng Gia tộc gồm:1Chủ tịch,1 Phó Chủ tịch và 5-7 uỷ viên là những người có địa vị xã hội, đức độ, từ 30 tuổi trở lên, có ý thức chăm lo việc họ, do các thành viên trong họ tiến cử, được mọi người trong họ tín nhiệm. Chủ tịch, Phó Chủ tịch do các uỷ viên Hội đồng Gia tộc bầu ra.
- Hội đồng Gia tộc có nhiệm kỳ 5 năm. Những uỷ viên có uy tín, sức khoẻ tốt, chăm lo việc họ có thể được tín nhiệm nhiều nhiệm kỳ. Uỷ viên Hội đồng sẽ bị bãi nhiệm nếu mất uy tín do kém đức độ và thiếu ý thức chăm lo việc họ. Trong mỗi nhiệm kỳ, khi có uỷ viên Hội đồng qua đời, sức khoẻ suy giảm nhiều hay chuyển đi xa lập nghiệp, hoặc bị bãi chức, thì có thể bổ sung người khác vào thay.
- Hàng năm, vào dịp chuẩn bị Giỗ Tổ ngày 17 tháng giêng, Hội đồng Gia tộc cần họp tổng kết hoạt động trong năm của họ, bàn về phương hướng hoạt động năm tới. Hội đồng có thể họp bất thường khi có việc quan trọng đột xuất cần giải quyết.
d) Các ủy viên Hội đồng Gia tộc: Hội đồng Gia tộc phân công một số uỷ viên có năng lực phù hợp để đảm trách từng phần việc cho hiệu quả:
- Ủy viên Trị sự: phụ trách chung việc thực hiện Tộc ước, quản lý và tu tạo Nhà Thờ, Mộ Tổ, lo giỗ Tổ, khánh tiết …
- Ủy viên Khuyến học – Khuyến tài: phụ trách động viên học tập nâng cao kiến thức văn hoá, trình độ chuyên môn…
- Ủy viên Tài chính: gây và quản lý quỹ họ.
Chương 2. QUYỀN VÀ BỔN PHẬN
CỦA CÁC THÀNH VIÊN TRONG HỌ
Điều 3. Quyền và bổn phận của Hội đồng Gia tộc.
a) Quyền của Hội đồng Gia tộc
- Hội đồng Gia tộc có quyền yêu cầu những gia đình, cá nhân liên quan báo cáo tình hình và kết quả hoạt động của theo quy định của Tộc ước, những vấn đê cần xử lý…
- Các gia đình, cá nhân trong họ có quyền đề nghị Hội đồng Gia tộc cung cấp thông tin về hoạt động dòng họ, kế hoạchphát triển và quản lý tài sản, tạo và sử dụng quỹ họ…Có quyền đề xuất ý kiến và tham gia vào các hoạt động việc họ.
- Hội đồng Gia tộc có quyền triệu tập bất thường các thành viên trong Hội đồng hoặc những gia đình, cá nhân liên quan để họp bàn giải quyết những vấn đề quan trọng như đầu tư tu tạo Nhà thờ, Mộ Tổ hoặc giải quyết những tiêu cực…
b) Bổn phận, trách nhiệm của Hội đồng Gia tộc: Hội đồng Gia tộc chịu trách nhiệm trước Tổ Tiên và Dòng Họ, bảo đảm tổ chức thực hiện tốt việc họ theo Tộc ước, cụ thể là:
- Tu tạo, quản lý Từ đường, Mộ Tổ;
- Tổ chức họp mặt, dâng hương Giỗ Tổ hàng năm;
- Quản lý và phát triển Gia Phả;
- Giữ gìn nề nếp, gia phong, tuân thủ luật pháp;
- Thăm hỏi, quan tâm đùm bọc lẫn nhau, tổ chức hoặc chỉ đạo việc tổ chức mừng thọ, hiếu, hỷ;
- Khuyến học, khuyến tài;
- Gây dựng và quản lý quỹ họ;
- Giao lưu, kết nối dòng họ: Tăng cường giao lưu với dòng họ Phạm khác ở các địa phương và BLL họ Phạm Việt Nam để củng cố và phát triển mối quan hệ dòng tộc, tìm hiểu thông tin cội nguồn – kết nối và quảng bá hình ảnh dòng họ phù hợp với phong tục tập quán của địa phương và tuân thủ Luật pháp của Nhà nước.
Điều 4. Quyền và bổn phận của Trưởng họ.
a) Quyền của Trưởng họ
- Ứng cử Hội đồng Gia tộc.
- Chất vấn Hội đồng Gia tộc về những vấn đề trong họ đang quan tâm.
- Triệu tập, chỉ giáo các thành viên trong họ tiến bộ.
b) Trách nhiệm của Trưởng họ
- Thực hiện tốt phần việc được Hội đồng Gia tộc giao.
- Thường xuyên tu dưỡng, giữ gìn đức độ, làm gương tốt cho mọi người trong họ noi theo, chăm lo gia đình, thương yêu đùm bọc lẫn nhau, học hành nâng cao kiến thức, chuyên môn nghề nghiệp và phải có ý thức chăm lo việc họ. Chấp hành nghiêm Luật pháp, không tham gia vào các tệ nạn xã hội như mê tín dị đoan, rượu chè, cờ bạc, trộm cắp, quan hệ bất chính…
- Khi có người trong họ chấp hành Luật pháp không nghiêm, mắc phải những tệ nạn xã hội và không nghiêm túc thực hiện Tộc ước thì Trưởng họ cần chủ động bàn bạc với Hội đồng Gia tộc và có biện pháp thích hợp giáo dục, tạo điều kiện để người đó tiến bộ.
Điều 5. Quyền và bổn phận của mọi thành viên trong họ.
a) Mọi thành viên trong gia tộc đều có quyền
- Thừa hưởng truyền thống dòng họ, thăm viếng và dâng hương lễ Tổ họ, Tổ chi và mộ Tổ theo ý nguyện.
- Mọi tài sản, di sản văn hoá vật thể và phi vật thể hiện có là thành quả của bao thế hệ đã tạo ra đều là của chung, là quyền lợi vật chất và tinh thần mà mọi thành viên gia tộc đều có quyền thừa hưởng vào việc chung của dòng họ.
- Được tìm hiểu và nắm bắt các thông tin tư liệu, số liệu về truyền thống, về các hoạt động của Họ Phạm Việt Nam nói chung và Họ Phạm làng Ngù, nói riêng.
- Được trực tiếp hoặc gián tiếp ứng cử, đề cử, bầu chọn người vào Hội đồng Gia tộc, có quyền bày tỏ ý nguyện và tham gia góp ý kiến về những vấn đề có liên quan đến việc họ.
- Được yêu cầu Hội đồng Gia tộc công khai tình hình hoạt động, quản lý và phát triển tài sản, tạo và sử dụng quỹ họ. Được đề xuất các biện pháp giữ gìn và phát huy truyền thống gia tộc; đề xuất yêu cầu xử lý những ngưới không nghiêm chỉnh thực hiện tộc ước…
- Được đề nghị Gia tộc giúp đỡ khi gặp khó khăn, tang tóc, hoạn nạn, tạo điều kiện phát triển về thể chất và tinh thần
2. Mọi thành viên trong gia tộc đều có bổn phận
a) Chăm lo việc Họ
- Tất cả mọi người trong từng gia đình, từng chi, từng cành, nhánh thuộc dòng họ đều thờ chung một Cụ Tổ Phạm Văn Bích, cùng có mối quan hệ huyết thống, không phân biệt già, trẻ, giai, gái, con dâu, con nuôi, kể cả con rể và cháu chắt ngoại (nếu tự nguyện) đều có quyền và bổn phận thực hiện Tộc ước, phát huy truyền thống Tổ tông, thờ phụng Tổ Tiên, chăm lo việc họ.
- Con trai từ trẻ đến già trong họ (kể cả con nuôi hợp pháp) đều có bổn phận đóng góp tộc phí và công sức để duy trì việc họ, xây dựng, tu tạo Nhà Thờ, Mộ Tổ họ theo quy định của Hội đồng Gia tộc.
- Con gái, con rể và các cháu, chắt bên ngoại gần, xa có lòng hiếu nghĩa, tự nguyện cung tiến tiền của, công sức để duy trì việc họ, xây dựng Nhà Thờ, Mộ Tổ và dâng hương phụng thờ Tổ Tiên đều được hoan nghênh và ghi nhận công đức vào sổ vàng của dòng họ.
- Mọi người trong toàn dòng họ cần tìm hiểu nắm rõ thứ tự các chi, các đời để giữ gia phong và xưng hô theo đúng trật tự trên dưới, thế thứ họ hàng.
- Mọi người phải có ý thức tìm hiểu về cội nguồn, Tổ tiên để tiếp tục bổ sung Tộc phả, kết nối dòng họ.
- Mọi người cần bố trí công việc về dự lễ Giỗ Tổ đông đủ, ăn mặc chỉnh tề, giao tiếp lịch sự theo đúng thế tự gia phong, có ý thức tổ chức và tham gia mọi việc họ.
- Những người được Hội đồng Gia tộc giao đảm trách phần việc gây dựng và quản lý quỹ họ; trông nom nhà thờ và mộ Tổ …phải có ý thức trách nhiệm trước Gia tộc, thực hiện tốt phần việc được giao, khộng được tư lợi.
b) Phấn đấu, học tập, giữ gìn gia phong và phát huy truyền thống dòng họ.
- Tất cả các chi, cành, nhánh và từng gia đình, từng thành viên trong họ thực hiện các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, “Sinh đẻ có kế hoạch”, “Xoá đói giảm nghèo”, “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”…bài trừ mọi tệ nạn xã hội: mê tín dị đoan, cờ bạc, rượu chè, ma túy, mại dâm…làm ăn chính đáng, chấp hành pháp luật, sống có kỷ cương, trên kính – dưới nhường; giao tiếp phải theo phép tắc trên dưới, thế thứ họ hàng, chan hoà đoàn kết với dân làng.
- Các vị cao niên trong họ, các uỷ viên trong Hội đồng Gia tộc phải gương mẫu và giáo dục, động viên con cháu trong dòng họ thực hiện Tộc ước: giữ gìn nề nếp gia phong – thuần phong mỹ tục, học tập nâng cao trình độ hiểu biết, tuân thủ Pháp luật, phụng dưỡng cha mẹ chu đáo, chăm nuôi con cháu học hành.
- Những người là đảng viên, cán bộ, công nhân viên chức, lực lượng vũ trang, chủ doanh nghiệp, phải phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, khắc phục khó khăn tiếp tục học tập nâng cao trình độ văn hoá, ngoại ngữ, chính trị, nghiệp vụ.
- Lớp thanh thiếu niên (con cháu nội, ngoại) phải tích cực tu dưỡng đạo đức, chăm học để trở thành con ngoan trò giỏi, đỗ đạt cao. Đặc biệt là những cháu có năng khiếu, có biệt tài thì gia đình và dòng họ cần quan tâm tạo điều kiện, để các cháu thành tài, xứng đáng với truyền thống dòng họ.
Chương 3. GIỖ TỔ
Điều 6. Mục đích, yêu cầu tổ chức giỗ Tổ
a) Giỗ Tổ họ là dịp họp mặt các thành viên trong Gia tộc để tưởng nhớ và thể hiện lòng thành kính Tổ tiên, ý thức “uống nước nhớ nguồn”; tăng cường và phát triển mối quan hệ dòng tộc, quan tâm lẫn nhau, phát huy truyền thống, làm rạng danh dòng họ.
b) Tổ chức giỗ Tổ: Bảo đảm chất lượng, trang trọng,phù hợp với khả năng và điều kiện cụ thể, với phong tục địa phương, pháp luật của Nhà nước, tạo không khi vui vẻ, phấn khởi, đồng thuận, đoàn kết. Tổ chức tiết kiệm, không phô trương, lãng phí, tuỳ tiện, ăn uống quá chén, giao tiếp thiếu văn hoá, gây mất đoàn kết và an ninh trật tự tại địa phương.
c) Hội đồng Gia tộc cùng Trưởng họ bàn bạc để tổ chức triển khai việc lễ Tổ. Trước ngày giỗ Tổ, Tết Nguyên đán, tiết Thanh minh, mồng Một, ngày Rằm, người quản lý nhà thờ Họ phải quét dọn trong, ngoài nhà thờ, bày biện lễ vật, phân công đón tiếp đại diện các chi, cành, nhánh và các gia đình đến dâng hương lễ Tổ.
Điều 7. Ngày giỗ
a) Gia tộc lấy ngày Mười bảy tháng Giêng hàng năm làm ngày giỗ Tổ họ. Giỗ tổ Phạm tộc họp mặt đông đủ toàn họ tổ chức 5 năm/một lần đồng thời là nhiệm kỳ bầu lại Hội Đồng Gia Tộc và chủ tịch Hội Đồng Gia Tộc.
b) Các Chi cũng lấy ngày này làm ngày giỗ Tổ Chi, tuỳ điều kiện cụ thể từng chi, có thể tổ chức họp mặt đông đủ toàn chi họ 2 hoặc 3 năm/một lần.
c) Ngày giỗ Tổ vào ngày làm việc thì Hội đồng Gia tộc có thể thống nhất tổ chức sớm hoặc muộn hơn 1 đến 2 ngày cho trùng với ngày nghỉ cuối tuần để mọi người có điều kiện về dự đông đủ.
Điều 8. Hoạt động ngày giỗ Tổ
a) Hội đồng gia tộc hội ý, chuẩn bị nội dung, phân công chuẩn bị, thống nhất về đánh giá hoạt động trong các năm qua của họ, phương hướng hoạt động những năm tới để báo cáo toàn họ.
b) Ngày giỗ Tổ không họp mặt toàn thể: Hội đồng Gia tộc cùng Trưởng Họ thay mặt toàn Họ dâng hương Nhà thờ Họ, tảo mộ Tổ, quét dọn bài trí Nhà thờ Họ, dâng hương Nhà thờ và tiếp đón các thành viên trong Họ vào dâng hương.
c) Ngày giỗ Tổ họp mặt toàn thể: Hội đồng gia tộc cùng Trưởng họ cử người dâng hương nhà thờ Tổ, tảo mộ Tổ, quét dọn, trang hoàng Nhà thờ Họ, tổ chức dâng hương lễ Tổ, bàn việc Họ và liên hoan thụ lộc.
Điều 9. Mùng một, ngày rằm
a) Mùng một, ngày rằm âm lịch hàng tháng, mọi người trong dòng Họ (giai, gái, dâu, rể, cháu, chắt nội, ngoại) đều có thể đi tảo mộ Tổ, dâng hương ở nhà thờ Họ.
c) Hội đồng Gia tộc cùng Trưởng họ cử người quét dọn, bài trí, mở cửa nhà thờ và tiếp các gia đình trong Họ vào dâng hương lễ Tổ.
Chương 4. QUẢN LÝ TÀI SẢN CỦA GIA TỘC
Điều 10. Tài sản của gia tộc
Tài sản chung của toàn gia tộc gồm bất động sản, đồ thờ, trang bị nội thất trong nhà thờ, mộ Tổ và tiền bạc, do tiên tổ gây dựng và các thế hệ hậu duệ tu tạo, mở mang phát triển.
a) Bất động sản của Gia tộc gồm đất nhà thờ, nhà thờ Họ, đất và mộ Tổ Họ.
- Đất nhà thờ: gồm toàn bộ diện tích đất đai, trên đó có nhà thờ, cổng và tường bao quanh. Nhà thờ Tổ Họ ở làng Ngù, xã Quang Trung, huyện Ngọc Lặc có diện tích khoảng 360 m2.
- Mộ Tổ Họ đặt tại Gò Đống Cao, làng Ngù, xã Quang Trung, Huyện Ngọc Lặc.
b) Trang bị nội thất nhà thờ là toàn bộ đồ thờ, bát hương, lư, đỉnh, hoành phi, câu đối, cờ, bia đá, kiệu, bàn ghế, ấm chén…
c) Tiền bạc là tiền quỹ họ, quỹ chi được gây dựng từ các nguồn theo quy định ở chương VII.
Điều 11. Trách nhiệm bảo vệ tài sản của gia tộc
a) Mọi thành viên trong họ đều phải có trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ và phát triển tài sản của gia tộc, không được tự ý lấn chiếm, để thất thoát, không tự ý thay đổi, thêm bớt bàn thờ, bát hương, linh vật thờ cúng trong nhà thờ tổ.
- Hội đồng Gia tộc có trách nhiệm tổ chức quản lý, lựa chọn giao cho người có tuổi, đức độ và có có ý thức trách nhiệm với việc họ, trực tiếp trông coi Nhà thờ và Mộ Tổ.
- Mọi thành viên trong Hội đồng Gia tộc, Trưởng họ, các Trưởng chi có trách nhiệm chỉ đạo người trông coi Nhà thờ, Mộ Tổ thực hiện tốt trách nhiệm được giao, giám sát thường xuyên việc bảo vệ và phát hiện những vấn đề cần uốn nắn, xử lý. Đồng thời phát hiện tình trạng xuống cấp của Nhà Thờ, Mộ Tổ để có kế hoạch tu tạo, nâng cấp cho ngày càng khang trang.
b) Trách nhiệm của người trông coi Nhà thờ:
- Phải có đức độ, có ý thức giữ gìn toàn vẹn tài sản của Gia tộc, không được lợi dụng tài sản của Gia tộc để làm lợi cho cá nhân mình. Không được lấn chiếm đất đai và gây cản trở cho các hoạt động việc họ. Không được để người khác lợi dụng tài sản Nhà thờ, sân vườn Nhà thờ vào mục đích riêng tư.
- Giữ vệ sinh môi trường, sự tôn nghiêm của Nhà thờ, không để kẻ xấu phá hoại hoặc có các hoạt động làm ảnh hưởng đến nơi thờ tự.
- Hương khói Nhà thờ ngày Mồng Một và Ngày Rằm âm lịch hàng tháng; các ngày lễ tiết, ngày Tết và ngày Giỗ Tổ; mở cửa cho con cháu ở nơi xa về thắp hương Tổ tiên.
c) Tiền hương khói trích từ quỹ dòng họ do Hội đồng Gia tộc thống nhất quản lý.
d) Hàng năm, người trông coi Nhà thờ, Mộ Tổ được hưởng thù lao về trông coi việc Họ, tiền thù lạo do Hội đồng Gia tộc bàn bạc thống nhất, được trích từ quỹ họ.
Chương 5. VIỆC HIẾU, HỶ
Điều 12. Kết hôn
a) Trai, gái trong họ chung dòng huyết tộc không được kết hôn với nhau.
b) Gia đình cần tổ chức hôn lễ cho con, cháu trang trọng, vui vẻ, văn minh, tiết kiệm.
c) Gia đình có thể đưa con, cháu đến nhà thờ Tổ dâng hương bái lễ Tổ tiên. Nếu có tiền của công đức tại nhà thờ Họ thì được ghi tên vào Sổ Vàng của họ.
Điều 13. Hoạt động việc hiếu, hỷ
a) Việc tổ chức hiếu hỉ, mừng thọ, đỗ đạt, thăng tiến, con cháu đầy cữ, thôi nôi … được tiến hành tùy theo điều kiện, hoàn cảnh của từng gia đình trong dòng Họ. Khi có người ốm đau thông thường, điều trị ở nhà, thì các gia đình trong họ gần kề qua lại, thăm hỏi động viên. Nếu có người ốm đau nặng, phải điều trị tại bệnh viện thì từng Chi họ tổ chức thăm hỏi.
b) Khi gia đình nào gặp rủi ro, hoạn nạn thì Hội đồng Gia tộc vận động các gia đình trong Họ đến thăm hỏi. Nếu cần thì vận động quyên góp trợ cấp, giúp đỡ kịp thời.
c) Gia đình có người qua đời (là ông bà, cha mẹ, hoặc chủ sự gia đình) thì báo cho Trưởng Họ, Trưởng Họ sẽ đến bàn kế hoạch tổ chức tang lễ, phân công hỗ trợ gia chủ tổ chức lễ tang chu đáo. Gia tộc có phúng viếng bằng vòng hoa, trướng, hay bằng tiền mặt (Giá trị lễ viếng khoảng 200 -300 nghìn đồng). Các gia đình trong chi họ phúng viếng tuỳ tâm, theo điều kiện từng nhà.
d) Những người từ 70 tuổi trở lên thì cứ 5 năm một lần, được làm lễ mừng thọ. Nếu gia đình tự tổ chức mừng thọ thì Hội đồng gia tộc đến gia đình mừng, tặng quà (có thể là bức trướng thêu với nội dung thích hợp, trị giá khoảng 100 – 150 nghìn đồng). Việc mừng thọ cũng có thể kết hợp trong buổi họp mặt toàn Chi nếu có yêu cầu.
e) Những người trong Hội đồng Gia tộc và Trưởng chi, Trưởng họ khi đến tuổi được mừng thọ hoặc khi ốm đau phải điều trị ở bệnh viện, khi tạ thế,…thì Hội đồng Gia tộc có trách nhiệm tổ chức chúc mừng, thăm hỏi, phúng viếng.
g) Các gia đình làm lễ tân gia, tân hôn ... thì việc đi dự và chúc mừng là do sự tự nguyện của các thành viên trong họ. Nếu có giấy mời Hội đồng gia tộc thì Hội đồng phân công đại biểu đến dự.
h) Những người được đi du học, tốt nghiệp đại học và trên đại học; những Nhà giáo, Thầy thuốc, nhà khoa học, sĩ quan quân đội, công an được Nhà nước phong quân hàm từ Trung uý trở lên; lãnh đạo cẩp phó trưởng ngành cấp xã và tương đương trở lên; những người được Nhà nước tặng huân, huy chương; được tặng danh hiệu vẻ vang, được tặng huy hiệu 30 năm tuổi Đảng trở lên, được đến nhà thờ Họ dâng lễ cẩn cáo Tổ Tiên, được ghi tên vào Trang Vàng danh dự; nếu có tiền công đức thì được ghi vào Trang Vàng công đức.
Chương 6. KHUYẾN HỌC, KHUYẾN TÀI
Điều 14. Gia tộc khuyến khích mọi thành viên trong họ không ngừng học tập, nâng cao trình độ và kiến thức.
a) Thực hiện chương trình phổ cập giáo dục phổ thông của Nhà nước;
b) Khuyến khích những người có khả năng học tập các bậc đại học, trên đại học;
c) Động viên, tạo điều kiện, giúp đỡ con, cháu trong Họ là tài năng trẻ nhưng có hoàn cảnh khó khăn.
e) Những người trong họ là nhà giáo cần quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện cho con em trong họ học tập tốt.
Điều 15. Hình thức khuyến học, khuyến tài
a) Gia đình có người tốt nghiệp Trung học phổ thông, đạt kết quả tốt trong các đợt thi học sinh giỏi cấp huyện trở lên, có người tốt nghiệp đại học, trên đại học…được dâng hương báo công trước bàn thờ Tổ và nêu danh, biểu dương trong ngày Giỗ Tổ.
b) Lập Bảng truyền thống hiếu học tại nhà thờ Tổ, ghi danh các bậc danh nhân tiền bối và những người có bằng tốt nghiệp đại học, trên đại học, thạc sỹ, tiến sỹ, giáo sư…
Điều 16. Lập và sử dụng quỹ khuyến học:
a) Gia tộc và từng chi lập quỹ khuyến học. Quỹ được lập từ các nguồn: trích từ tộc phí hàng năm của mọi thành viên trong họ; động viên mọi thành viên trong họ (giai, gái, dâu, rể) có hảo tâm đóng góp bằng tiền hoặc vật chất theo khả năng; huy động các các tổ chức, cá nhân trong địa bàn nơi cư trú có lòng hảo tâm.
b)) Quỹ được dùng vào các mục đích sau:
- Thưởng động viên những người có thành tích tốt trong học tập;
- Trợ cấp cho những tài năng trẻ có hoàn cảnh khó khăn để hoàn thành được khoá học.
c)) Mức thưởng và phụ cấp:
- Mức thưởng tuỳ thuộc vào nguồn quỹ khuyến học và kết quả học tập của học sinh:
+ Học sinh giỏi cấp Tiểu học: thưởng bằng văn phòng phẩm, trị giá từ 20 nghìn đồng trở lên;
+ Học sinh giỏi Trung học cơ sở: thưởng bằng văn phòng phẩm, trị giá từ 30 nghìn đồng trở lên;
+ Học sinh giỏi Trung học phổ thông: thưởng bằng văn phòng phẩm, trị giá từ 40 nghìn đồng trở lên;
+ Học sinh tốt nghiệp THPT loại giỏi và học sinh thi đỗ đại học: thưởng bằng hiện vật, trị giá từ 50 nghìn đồng trở lên.
- Mức trợ cấp cho những tài năng trẻ có hoàn cảnh khó khăn tuỳ thuộc vào gia cảnh của từng người, khi gia đình có đơn xin trợ cấp, được Hội đồng xét và quyết định từ 500 nghìn đến 01 triệu đồng.
- Mức thưởng có thể được điều chỉnh khi điều kiện kinh tế xã hội của địa phương và nguồn quỹ phát triển.
Chương 7. LẬP VÀ QUẢN LÝ QUỸ HỌ
Điều 17. Mục đích xây dựng quỹ
Gây quỹ họ nhằm duy trì các hoạt động việc họ:
a) Tu tạo Nhà thờ, Mộ Tổ, trang bị nội thất Từ đường;
b) Hương khói Từ đường và tổ chức giỗ Tổ;
c) Thăm hỏi người bệnh, mừng thọ, hiếu, hỷ;
d) Giúp người trong họ gặp khó khăn;
e) Khuyến học – khuyến tài;
g) Tham dự các hoạt động của Ban Liên lạc Họ Phạm Việt Nam và đóng góp tài chính cho các Ban Liên lạc theo quy định;
h) Thu thập thông tin tư liệu kết nối dòng họ…
Điều 18. Huy động và nguồn gây quỹ họ
Quỹ họ được gây dựng từ các nguồn:
a) Đóng góp của các thành viên là con trai trong họ theo quy định: 50 nghìn đồng/năm/người cho quỹ họ.
b) Cung tiến của con cháu làm ăn phát đạt;
c) Cung tiến của con gái, con rể, cháu chắt nhành ngoại;
d) Cung tiến của các thành viên trong họ vào dâng hương lễ Tổ vào các dịp lễ, tết, mồng một, ngày rằm, thành hôn, thành đạt trong học hành, làm ăn, thăng tiến về công danh…
e) Tài trợ của các nhà hảo tâm, doanh nhân ở địa phương…
Điều 19. Quản lý, thu, chi quỹ họ
a) Ủy viên Tài chính đảm nhiệm huy động, thu, quản lý quỹ họ; chi quỹ theo mức quy định cho từng công việc thường xuyên như hương khói, thăm hỏi, mừng thọ, hiếu, hỷ, khuyến học….
b) Với những khoản chi nhiều và đột xuất, như tổ chức ngày Giỗ Tổ (riêng khoản chi liên hoan thụ lộc các thành viên tham dự đóng góp theo dự tính ngoài quỹ họ), tham gia hoạt động của ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam, trợ cấp đột xuất…
c) Trước khi chi quỹ họ, Ủy viên Tài chính phải lập Tờ trình, thông qua Hội đồng Gia tộc duyệt, nêu rõ: mục đích, nội dung, mức chi, tổng số chi, ngày, tháng, năm chi. Tờ trình được duyệt chi phải có chữ ký của Ủy viên tài chính và Chủ tịch Hội đồng gia tộc ký duyệt.
d) Ủy viên tài chính phải lập sổ theo dõi thu chi và các Tờ trình duyệt chi, hàng năm tính toán đầy đủ, chính xác, báo cáo Hội đồng Gia tộc và báo cáo Toàn họ trong kỳ giỗ Tổ họp mặt toàn thể.
Điều 20. Kiểm tra, giám sát phát triển và sử dụng quỹ họ
Chủ tịch, Phó chủ tịch Hội đồng gia tộc có quyển yêu cầu Ủy viên phụ trách Tài chính cung cấp mọi thông tin và số liệu để thực hiện kiểm tra, giám sát về:
a) Phương thức và kết quả phát triển quỹ họ;
b) Tình hình quản lý quỹ họ, sổ thu, chi và số liệu thu chi từng việc định kỳ và đột xuất hàng năm;
c) Phát hiện những tồn tại trong quản lý, sử dụng quỹ họ;
d) Lập báo cáo kiểm tra và kiến nghi Hội đồng Gia tộc hình thức xử lý các vụ việc xẩy ra trong quản lý và sử dụng quỹ họ.
Chương 8. TỰ QUẢN VỀ AN NINH TRẬT TỰ
Điều 21. Chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng
Các thành viên trong Dòng họ phải luôn gương mẫu chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương. Tuyên truyền, vận động mọi người, mọi nhà cùng thực hiện nhằm góp phần xây dựng quê hương giàu mạnh.
Điều 22. Tham gia các phong trào của địa phương
Các thành viên trong họ tích cực, tự giác tham gia các phong trào do địa phương và nhà nước phát động như: Phong trào toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc, phong trào “Vì bình yên cuộc sống, mỗi người, mỗi nhà hãy làm một việc tốt về ANTT”, các phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, giúp nhau phát triển sản xuất, kinh doanh, Xây dựng NTM đô thị văn minh, xóa đói, giảm nghèo, khuyến học, khuyến tài, các hoạt động từ thiện, đền ơn đáp nghĩa, vệ sinh môi trường, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn, v.v…
Điều 23. Đấu tranh, tố giác tội phạm và vi phạm pháp luật
Các thành viên trong họ phải luôn đoàn kết, gắn bó phấn đấu trong họ không có bạo lực gia đình, không có người vi phạm pháp luật và mắc các tệ nạn xã hội. Kiên quyết đấu tranh đẩy lùi tệ nạn xã hội và tích cực đấu tranh tố giác tội phạm trong dòng họ và địa bàn dân cư.
Chương 9. KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT
Điều 24. Khen thưởng
a) Những người, những gia đình có ý thức tự giác chấp hành nghiêm chỉnh và tích cực vận động mọi người cùng thực hiện quy chế có hiệu quả sẽ được Hội đồng gia tộc tuyên dương, khen thưởng hàng năm. Những con cháu có đóng góp lớn, những thành viên trong Hội đồng có thành tích xuất sắc, hết lòng vì gia tộc sẽ được ghi tên vào Sổ vàng Gia tộc tại nhà thờ Họ.
b) Những người có ý thức tốt chăm lo bảo vệ tài sản của Gia tộc sẽ được Hội đồng Gia tộc xét khen thưởng xứng đáng với đóng góp của mình, từ biểu dương trước toàn Gia tộc, ghi danh vào Sổ vàng Gia tộc hoặc thưởng bằng tiền.
d) Sổ vàng Gia tộc có:
- Trang vàng ghi danh: lưu tên tuổi những người trong họ từ đời cụ Tổ đến cập nhật hàng năm học hành đỗ đạt cao, thành danh trên đường sự nghiệp.
- Trang vàng việc họ: lưu tên tuổi những người trong họ đã có tâm huyết và góp nhiều công sức gìn giữ và phát huy truyền thống tổ tông dòng họ, được Hội đồng Gia tộc suy tôn.
- Trang vàng Công đức: lưu tên tuổi những người có nhiều đóng góp công sức, vật chất, tài chính cho hoạt động việc họ như: Phát triển Phả hệ, Phát triển giao lưu liên kết dòng họ, tu tạo nhà thờ, mộ tổ, khuyến học – khuyến tài, quan tâm giúp đỡ lẫn nhau…do Hội đồng Gia tộc thống nhất mức đóng góp tối thiểu được lưu danh.
Điều 25. Kỷ luật
Những người vi phạm Tộc ước sẽ bị xử lý nghiêm minh.
a) Những gia đình và cá nhân không tôn kính Tổ Tiên, cố ý không chấp hành Tộc ước, không lo toan việc họ, gây mất đoàn kết trong gia đình, trong họ hoặc vi phạm pháp luật, mắc các tệ nạn xã hội dần đến tù tội, làm ảnh hưởng đến dòng họ thì bị cảnh cáo trong toàn Họ. Khi tiếp thu sự giáo dục của gia đình, của Gia tộc thành người tốt mới được Hội đồng gia tộc xét cho dâng lễ cẩn cáo Tổ Tiên đại xá.
b) Những người thiếu ý thức bảo vệ làm hư hỏng, mất mát tài sản, tiền của của Gia tộc sẽ bị Hội đồng Gia tộc xem xét kỷ luật thích đáng với hậu quả gây ra, từ phê bình, khiển trách hoặc cảnh cáo trước toàn Gia tộc.
c) Người trông coi nhà thờ, mộ tổ quản lý không tốt, cố tình lợi dụng hoặc để người khác lợi dụng, sân vườn Nhà thờ vào mục đích riêng tư, làm thất thoát tài sản sẽ bị Hội đồng Gia tộc xem xét hình thức kỷ luật từ nhắc nhở đến phê bình, cảnh cáo trước toàn Gia tộc, đồng thời phải bồi thường thiệt hại và không được tiếp tục trông coi tài sản của Gia tộc.
d) Người là uỷ viên Hội đồng Gia tộc khi vi phạm nặng sẽ bị Hội đồng Gia tộc kiểm điểm, bãi nhiệm và cảnh cáo trước toàn Họ. Những người là trưởng họ, trưởng chi nếu vi phạm nặng sẽ bị Hội đồng Gia tộc, Chi tộc xem xét phế truất và thông báo trước toàn họ.